O Henry là một trong những nhà văn nổi tiếng của Mỹ. Ông sinh năm 1862 và mất năm 1910. Trong 48 năm trên thế gian, ông đã để lại rất nhiều tác phẩm tuyệt vời như Sau hai mươi năm, Căn phòng đầy đủ tiện nghi, Ngôi giáo đường và cối xay nước… Tuy nhiên, một trong những kiệt tác của ông phải kể đến tác phẩm Chiếc lá cuối cùng được viết vào những năm cuối đời (1907). Truyện ngắn này đã được đưa vào sách giáo khoa ngữ văn lớp 8 của Việt Nam và hiện đang được giảng dạy ở nhiều nước khác trên thế giới. Vậy vì sao Chiếc lá cuối cùng là một kiệt tác? Cùng tôi khám phá trong bài phân tích dưới đây nhé!
Tóm tắt cốt truyện.
Trước tiên, chúng ta cùng đi từ phần cốt truyện trước nhé. Sue, Johnsy và cụ Behrman đều là những họa sĩ nghèo sống chung trong một khu nhà trọ. Vào mùa đông năm đó, Johnsy không may bị mắc chứng sưng phổi, một căn bệnh quái ác thời bấy giờ. Cô rất tuyệt vọng, ngày ngày nhìn ra cửa sổ và tự nhủ rằng khi nào chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng thì cũng là ngày cô rời xa trần thế. Khi biết được ý nghĩ dại dột đó, Sue và cụ Behrman đều vô cùng lo lắng cho Johnsy. Đỉnh cao của câu chuyện được đẩy lên cao trào trong đêm mưa bão, cụ Behrman đã một mình vẽ lên chiếc lá cuối cùng đó. Bức tranh này không chỉ cứu sống Johnsy, khiến cô nhận ra sự sai lầm, tiếp tục cố gắng và hồi phục mà còn là kiệt tác cả đời của cụ.
Nội dung đơn giản, không dài dòng, kịch tính nhưng tại sao Chiếc lá cuối cùng là một kiệt tác? Dưới đây là những lý do các bạn có thể tham khảo:
Kiệt tác về độ chân thực
Lý do đầu tiên, cũng là lý do dễ nhìn ra nhất: độ chân thực của chiếc lá. Johnsy đã coi cuộc đời mình giống như chiếc lá, ngày ngày ngắm nhìn nó. Tuy nhiên, cô vẫn không hề nhận ra chiếc lá kia được vẽ trên tường. Chiếc lá có màu xanh sẫm, rìa lá nhuốm một màu vàng úa. Tuy nhiên, cụ Behrman bằng tất cả tài năng và kinh nghiệm cả đời của mình đã khắc họa lại nó giống y như chiếc lá thật. Ông đã sử dụng kỹ năng pha chế các loại màu mực hết sức tinh vi. Nó không chỉ thế hiện tài năng mà còn vẽ ra được niềm mơ ước tạo nên một kiệt tác để lại cho thế hệ sau của người họa sỹ già.
Kiệt tác được vẽ bằng sự yêu thương và lòng chân thành.
Không chỉ được vẽ bằng những kỹ thuật điêu luyện, chiếc lá cuối cùng còn vẽ bằng tình yêu thương và lòng chân thành cụ Behrman dành cho cô gái trẻ Johnsy. Khi biết được ý định ngu ngốc của Johnsy, biết được cô đã từ bỏ hy vọng để tiếp tục sống, ông cụ già đã rất buồn bã và đau đớn. Ông chỉ là một người đồng nghiệp, một người hàng xóm mà yêu thương cô như chính con gái ruột của mình vậy. Để rồi ông đã hy sinh bản thân mình, không ngại đêm tối, bão bùng vẽ lên bức tranh này. Ngày hôm sau đó người họa sĩ già đã trút hơi thở cuối cùng. Sự ra đi của ông là hình ảnh đầy ý nghĩa và đẹp đẽ nhất trong cả câu chuyện. So với cuộc sống hiện đại, khi con người lạnh nhạt, dửng dưng với nhau, câu chuyện như một ngọn lửa ấm áp được truyền lại từ thế kỷ trước. Nó nhắc nhở con người ngày nay về tình người và về sự yêu thương chân thành.
Đem lại niềm hy vọng sống
Đây không chỉ là bức tranh đơn thuần, đối với ông Behrman nó là niềm hy vọng sống của Johnsy – một con người tưởng như đã lún sâu vào đầm lầy tuyệt vọng. Đổi tính mạng của mình để lấy niềm hy vọng sống cho một người không máu mủ ruột già, ông quả là một con người cao thượng! Johnsy bất chợt nhận ra mình đã tồi tệ như nào khi muốn chết sau khi nhìn thấy chiếc lá cuối cùng vẫn dũng cảm sống sau những cơn mưa gió điên cuồng. Đặc biệt khi cô còn quá trẻ, còn cả tương lai phía trước, suy nghĩ này của cô quả thật ngốc nghếch. Bức tranh chiếc lá cuối cùng của ông Behrman đã cứu sống cô, giúp cô vượt qua những ngày tháng tối tăm nhất cuộc đời. Cô đã bắt đầu xin Sue một ít cháo để tiếp tục chống đỡ với bệnh tật với niềm khao khát sống. Đây chính là ý nghĩa nhân văn cao cả trong tác phẩm nói riêng và trong nghệ thuật nói chung. Nghệ thuật vị nhân sinh này, nó không giống như ánh trăng lừa dối, mà nó phục vụ cho cuộc sống con người, hướng nhân loại tới những giá trị tốt đẹp và cao cả hơn!
Kết luận
Qua những phân tích trên, chắc các bạn cũng đã có thể hiểu được lý do tại sao chiếc lá cuối cùng là một kiệt tác rồi chứ. Tác phẩm truyền đi thông điệp về tình yêu thương, lòng chân thành, sự hy sinh và niềm hy vọng sống tới nhân loại. Đây là những giá trị đơn thuần nhưng trong xã hội nhiễu nhương này, nó đang dần bị che lấp bởi những thói hư tật xấu hay những vật chất tầm thường. Dù đã hơn một thế kỷ trôi qua nhưng tác phẩm vẫn như một ngọn lửa nồng ấm, nhắc nhở ta về tình người. Cảm ơn nhà văn O Henry thật nhiều!